TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng



TẢN MẠN VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ?


Tác giả: Lão Nông
Thể loại: sinh hoạt  cộng đồng

 

      Báo Việt Luận ở Úc Châu có đặc trang Tản Mạn Văn Chương do Tamar Le phụ trách. Nhưng nếu những ai có hiểu biết về văn chương, có dịp đọc qua đặc trang nầy, thì ắt hẳn phải có những thắc mắc, rằng: Tại sao đặt tên chủ đề là Tản Mạn Văn Chương(TMVC)? Trong khi đó, nội dung những bài viết đăng nơi đặc trang đều có chung một mục đích “đánh bóng” cho những chuyến đi tham quan, thăm bạn bè, chương trình ca nhạc, sinh nhật.... của nhóm Nhịp Sống Melbourne, nhóm  Nguyệt Cầm.
    Trước khi đi sâu vào phân tích và bình luận cụm từ Tản Mạn Văn Chương, Lão Nông tui xin giới thiệu vài nét về mình: Tui là người làm rẫy chất phác, kiến thức hạn hẹp về văn chương chỉ bằng lá mít không hơn kém, nhưng cũng xin góp chút ít về trang Tản Mạn Văn Chương của “nhà báo” Tamar Le, nhằm góp phần chỉnh trang lại nền văn học Việt Nam của người Việt ở hải ngoại, nhất là đặc trang Tản Mạn Văn Chương ở Melbourne.
     Dựa theo Hán-Việt từ điển của tác giả Nguyễn Văn Khôn, tui xin giải nghĩa Tản Mạn Văn Chương như sau:
- Tản mạn: Rải rác đó đây, không liên kết với nhau thành một khối...
- Văn Chương: Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng bóng bẩy. Văn chương là từ kép nói lên vẻ đẹp bóng bẩy của một sự kiện xã hội bằng lời nói, câu văn hoa mỹ...
     Với ý niệm theo định nghĩa trên đây, Tản Mạn Văn Chương có thể hiểu đại khái là: Một chủ đề viết về sinh hgoạt văn chương khắp đó đây trên đất Úc.
    Trở lại đặc trang Tản Mạn Văn Chương, nhà báo Tamar Le đã đăng tải những bài viết về các chuyến đi tham quan, các chương trình ca nhạc, các lễ hội của một nhóm người rồi bị “văn chương hóa” theo lối hiếp dâm ngôn ngữ, nhằm mục đích ca tụng một cá nhân hay một phe nhóm của Tamar Le.
     Thật vậy! Lão Nông đã xem qua hầu hết những bài viết đăng trên đặc trang TMVC, như:  Ý Nghĩa Một Sắc Màu Harmony Week của Trâm Anh, Adelaide đi dễ khó về của Viễn Trình, Nguyệt Cầm Với Dáng Thu...v..v....  Tất cả đều có chung một mục đích, một cách thức quảng cáo cho cá nhân hay nhóm người sinh hoạt trong cộng đồng có dây mơ rễ má với nhóm Nguyệt Cầm hay với “nhà báo” Tamar Le. Ở điểm nầy, Lão Nông lấy điển hình bài viết: Nguyệt Cầm Với Dáng Thu của Tamar Le, Adelaide Đi Dễ Khó Về của Viễn Trình... để phân tích khía cạnh văn chương như chủ đề đăng tải.
1./ Nguyệt Cầm Với Dáng Thu:
        Tamar Le nhập đề bằng lối viết luân khởi, rằng:
** “ Trong âm nhạc và thi ca Việt Nam, mùa thu là thời gian được ca tụng và lãng mạn hóa nhiều nhất, mặc dù mùa thu ở Việt Nam thường đến với các vùng phía bắc, còn miền nam thì luôn luôn vui đùa với cơn gió hạ và gạo trắng trăng thanh.
       Một đặc thù dễ thương của người Việt Nam mình là thích lãng mạn hóa đời sống, cuộc tình và thiên nhiên quanh mình, vì khi nghĩ đến mùa thu, nhìn hình ảnh mùa thu, thì đã thấy tâm hồn mình dạt dào với dáng thu...(ngưng trích)...”..
    Chỉ một đoạn văn nhập đề nầy, ông đã hiếp dâm những từ ngữ như: Mùa thu là “thời gian”, “đặc thù  dễ  thương”, “cơn gió hạ” và “gạo trắng trăng thanh”..v..v...  Tôi xin hỏi Tamar Le: Thế nào là đặc thù dễ thương của người VN hả ông?
    Xem qua bài viết, ông Tamar Le đăng một tấm hình của ông và bà vợ trẻ, ngụ ý giới thiệu độc giả về chân dung của người điều hành trang Tản Mạn Văn Chương.

2./ Ý Nghĩa Một Sắc Màu Harmony Week:
    Nhập đề bài viết, Trâm Anh giả vờ “con nai vàng ngơ ngác”, rằng: Nếu như không nhận được thư mời của hội AVA đến tham dự buổi ca nhạc chào mừng tuần lễ Harmony week thì có lẽ tôi không để ý lắm tuần lễ này diễn ra khi nào, và ý nghĩa của nó ra sao ngoài việc biết mang máng là tuần lễ ủng hộ cho một nền văn hóa đa văn của nhiều sắc dân trên cùng một lãnh thổ...(ngưng trích).
    Rồi tiếp theo, Trâm Anh đăng những hình ảnh của các "mỹ nữ Melbourne" quảng cáo những chiếc áo dài sắc màu rực rở. Và từ đây, Trâm Anh tự sướng cho mình là cây bút viết văn có tầm cở...

3./ Adelaide Đi Dễ Khó Về:
    Bài viết sặc mùi ca tụng một cá nhân trong lãnh vực nông nghiệp: Công ty cày xới Bạc Đô! Sự ca tụng về ông Đô vượt quá hiện thực đã khiến cho những ai biết rò về Bạc Đô phải ngượng ngùng khi đọc qua bài viết nầy. Rồi phóng đại hơn nữa, tác giả Viễn Trình lại quảng cáo cho những nhà hàng ở Adelaide bằng xáo ngữ phi thực tế. Còn gì trơ trẻn hơn khi tác giả viết lên những đoạn văn như:
- “...Nhà hàng Ninh Kiều để lại ấn tượng khó quên với món bắp hạt chiên giòn đơn giản nhưng thơm ngon lạ miệng vô cùng; nhà hàng Hoàng Gia lưu luyến với món bún măng vịt đậm đà hương vị quê nghèo, món cháo lòng “bùi ngùi” ăn tại nhà anh chị Đô – Hương do một người bạn nấu tặng và cũng tại đây chúng tôi được thưởng thức món bánh bột lọc mà người Huế thường gọi là bánh quai vạt do anh chị Đức một gia đình nông gia thành đạt người Huế chính hiệu làm tặng. Tuyệt! Tôi “ngốn” hết một đĩa lớn vì biết khó có cái duyên này một lần nữa trong đời!..(ngưng trích)..”.
     Lão Nông tui đọc qua những đoạn văn nầy, thành thật mà thắc mắc về yếu tố văn chương trong bài viết ở đâu.??? Phải chăng, văn chương của Viễn Trình, của Tamar Le, của Trâm Anh... Tất cả đều là một lò sản xuất ra từ chủ đề Tản Mạn Văn Chương, vượt ngoài phạm trù văn chương! Bởi vì nói về văn chương, thông thường, các tác giả phải xác định chủ đề bài viết cho phù hợp với nội dung để không rơi vào tình huống “hiếp dâm ý tưởng” phi thực tế. Chẳng hạn trong đoạn viết trên, Viễn Trình sữ dụng những ngôn từ rất “hiếp dâm” như: Món cháo lòng “bùi ngùi”, món bún măng vịt đậm đà hương vị quê nghèo...  Khi đọc qua những cụm từ nầy, Lão Nông tui cảm thấy lãnh vực văn chương đã bị đánh cắp, thay thế vào đó bằng lối viết quảng cáo thời trang, quảng cáo thương mại...
      Để kết thúc bài phân tích về văn chương, Lão Nông tui nhận xét rằng:
* Văn chương không phải là phạm trù trình diễn quảng cáo thời trang với những chiếc áo dài màu sắc rực rở hay quảng cáo những món ăn “bùi ngùi” và “đậm đà hương vị quê nghèo”. Vì vậy, nói về văn chương, người cầm bút ít nhiều gì cũng phải có kiến thức tối thiểu về căn bản văn chương. Nếu không thì như thi sĩ Trần Tế Xương đã chữi ông cử Nhu, chánh chủ khảo hội đồng khảo thí khoa thi trường Nam Định:
Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu
Thực là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương nào phải là đơn thuốc!
Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu! ..
     Nếu thế! Người cầm bút của nhóm Tản Mạn Văn Chương phải nhìn lại để biết mình là ai khi nói đến hai chữ VĂN CHƯƠNG.    
Adelaide, ngày 21/4/2021.
Lão Nông